Breaking News

Fushimi-Inari Shrine

Fushimi Inari là đền thờ thần đạo được xây dựng từ năm 711. Dân chúng thường đến đây để cầu tài, mong giàu có và thành công trong kinh doanh, còn du khách như mình thì đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ lạ của ngôi đền này. Đây không những là điểm du lịch hấp dẫn, mà còn là phim trường cho phim Memoirs of a geisha (Hồi ức một geisha), bộ phim nổi tiếng về văn hóa Nhật với sự tham gia của Chương Tử Di, Củng Lợi và Dương Tử Quỳnh. 

Cổng chính vào đền

Đền Fushimi Inari nổi tiếng với những cánh cổng torji truyền thống sơn đỏ, với số lượng lên tới hàng nghìn chiếc. Những chiếc cổng này còn được gọi là “điểu cư” (nơi chim đậu), được xếp thành hàng dài từ sau ngôi đền chính, tạo thành một con đường tuyệt đẹp dẫn vào khu rừng và ngọn núi thiêng Inari. Cổng Torji trong tín ngưỡng Nhật đóng vai trò đánh dấu thánh địa linh thiêng. Hầu như mỗi ngôi đền Thần đạo chỉ có một cánh cửa Torji, riêng Fushimi Inari có tới hàng nghìn cánh cổng như vậy. Mỗi chiếc cổng nhỏ có giá tới hàng trăm nghìn yên trong khi chiếc cổng lớn có thể tới hàng triệu yên. Theo truyền thuyết, con cáo là con vật truyền tin của nữ thần Inari, vì vậy, xung quanh khu vực đền, có rất nhiều bức tượng cáo được tạc tỉ mỉ, nhiều hình dáng, kích cỡ. 
Phần lớn du khách thích khám phá khuôn viên đền Inari theo những con đường mòn lên núi có cổng torii xếp dọc toàn bộ lối đi. Những chiếc cổng này được các cá nhân và công ty quyên tặng và mỗi chiếc cổng đều có tên của người quyên tặng và ngày quyên tặng được viết ở mặt sau. Đi trên những con đường dày đặc cổng trông như một đường hầm. Điện thờ bằng đá, chạm khắc, thác nước và ao hồ tô điểm dọc theo những con đường, khiến những con đường mòn trở thành một nơi tuyệt vời để chụp ảnh. Hành trình lên đỉnh núi mất ba giờ, nhưng đáng để du khách leo lên đỉnh núi, được thưởng ngoạn góc nhìn cả thành phố Kyoto. Càng leo cao thì càng vắng người. Đến chập tối, những chiếc đèn lồng được thắp sáng, đem đến cho khung cảnh một vẻ đẹp kỳ ảo. 
Đền Fushimi Inari Taisha là ngôi đền Thượng trong hệ thống gồm 32.000 đền thờ thần Inari-Daimyojin trên khắp Nhật Bản. Đền này tọa lạc trên độ cao 233m so với mực nước biển. Đường dẫn lên đền là một hệ thống đường mòn quanh co dài khoảng 5 km và mất khoảng 3 giờ để đi lên. Dọc theo đường mòn là các ngôi đền nhỏ và tầng tầng lớp lớp những cánh cổng Torji. Vào năm 711, Thời kì Nara, Hata-no-Irogu đã cho xây dựng trên ngọn đồi Inariyama, phía tây nam Kyoto, một ngôi đền thờ thần Inari-Daimyojin, vì thế ngôi đền có tên Fushimi Inari Taisha là vậy. Fushimi Inari Taisha là một trong những ngôi đền nhận được sự bảo trợ của Hoàng gia Nhật Bản trong những năm đầu của Thời kì Heian. Năm 816, theo thỉnh nguyện của thiền sư Kukai, đền Fushimi Inari Taisha đã được di chuyển về khu rừng tuyết tùng phía dưới chân núi Inari như ngày nay. Trong đợt di dời này, đền đã được sửa và mở rộng ra khá nhiều so với kiến trúc ban đầu. Fushimi Inari Taisha được nâng cấp quan trọng đặc biệt khi được coi là Kanpei-Taisha, đền thờ được sự bảo trợ của Chính phủ Nhật Bản. Toàn bộ khuôn viên đền Fushimi Inari Taisha có diện tích khoảng 870.000m2, được xây dựng ẩn dưới tán rừng tuyết tùng, tạo thành một không gian thờ tự uy nghiêm. Cũng như tất cả đền thờ thần Inari-Daimyojin khác, kiến trúc tổng thể của đền Fushimi Inari Taisha bao gồm các công trình chính như cổng đền (Torji), tham đạo (Sando), bồn nước thanh tẩy (Temizuya), nhà diễn kịch – Thần lạc (Kagura), nhà dâng lễ vật (Haiden), chánh điện (Honden)…mỗi kiến trúc mang một nét đặc trưng riêng, sử dụng hai gam màu chủ đạo là đỏ và trắng. Toàn bộ phần mái lợp của đền mang các màu tông trầm như đen, màu rêu và xanh đồng, rải rác trong sân là vô số các pho tượng cáo bằng đá được tạc tỉ mỉ, nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Đền Fushimi Inari Taisha được quản lý bởi dòng họ Hata qua nhiều thế hệ. Ngày nay, nhiều gia đình thuộc dòng họ Hata vẫn tiếp tục sinh sống gần đền theo truyền thống. Thần Inari-Daimyojin được tôn thờ là vị thần của gạo và rượu sake, hai đại diện chủ đạo của cả nền văn hóa của nước Nhật thời xưa. Việc thờ phụng thần Inari-Daimyojin lan rộng trên khắp Nhật Bản trong thời kỳ Edo, và vào thế kỷ 16 thần Inari-Daimyojin được xem là vị thần bảo hộ chính thức của các tướng quân, các lãnh chúa cũng như các tầng lớp khác trong xã hội Nhật. Trong vở kịch No nổi tiếng Sanzo Konaji, thần Inari-Daimyojin đã giúp thợ rèn Sanjou Munechika rèn nên thanh bảo kiếm Kogitsune-maru, nghĩa là con cáo nhỏ. Đến thời Cải cách Minh Trị, với sự phát triển vượt trội của các ngành công nghiệp, thần Inari-Daimyojin còn được giới thương nhân coi là vị thần bảo hộ cho sự thịnh vượng và may mắn trong kinh doanh. Ngoài ra, thần Inari-Daimyojin còn phù hộ gia đạo bình an, phụ nữ có thai sinh con được mạnh khỏe… 

Sơ đồ khu đền Inari


Những cánh cổng đỏ san sát tạo nên những đường hầm đỏ huyền bí


Góc nhìn từ trên cao xuống thành phố Kyoto




Tìm nàng Geisha


Kéo chuông cầu may


leo bộ lên độ cao hơn 233 m với chiều dài tổng công khoảng 5km

(4.2017)