Breaking News

Kỳ thú lên lưng chừng trời tìm cá lạ (P2)

(Tiếp theo) - Cắn miếng cá thấy vị đắng thanh mát của thịt, nhưng rồi vị ngọt nhanh chóng tan vào tuyến nước bọt, lưu luyến mãi nơi cuống họng.

Kỳ 2 (kỳ cuối): Chặn suối bắt cá

Vừa đi xe máy, đi bộ gần hết ngày, thì chúng tôi đặt chân ở con suối Sàng Mà Pho (bản Sàng Mà Pho, xã Sin Súi Hồ, Phong Thổ, Lai Châu). Con suối này bắt nguồn từ những ngọn núi cao vời vợi của đuôi dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc Y Tý (Bát Xát, Lào Cai). Những đỉnh núi nằm trên mây trắng, chốc mưa, chốc nắng, nên nước dồi dào, chảy mạnh. Núi cao, dốc, nên dòng suối chảy ào ào như thác đổ.


< Đắp bờ chặn suối để bắn cá.

Có tới 7 anh chàng người Mông ở bản Sin Súi Hồ và Giàng Mà Pho chuẩn bị đồ nghề, đi tìm loài cá đắng, thường gọi là cá sâm cho chúng tôi thưởng thức. Người Mông ở Sin Súi Hồ coi đó là món thượng phẩm, chỉ khách quý mới được ăn. Mỗi lần mời khách, cũng chỉ có một con bằng ngón tay người. Loài cá này cực kỳ hiếm, chỉ có ở độ cao trên 2000m, nguồn nước quanh năm giá lạnh.

Tiếp tục cuốc bộ dọc con suối, đến chồn chân, thì Vàng A Của kêu cả nhóm dừng chân, dựng lều, ngủ qua đêm lấy sức để sớm hôm sau bắt cá.


< Giã vỏ cây lấy nhựa để cá say.

Sáng sớm, sương lạnh bao phủ khắp nơi, nhóm Vàng A Của đã lội bì bõm dưới suối, chui rúc vào khe những tảng đá to như đống rơm. Tôi thò chân xuống nước, lạnh cóng buốt như dẫm vào băng đá.

Theo Vàng A Của, phải có nhiều kinh nghiệm, mới biết được nơi cá đắng trú ẩn. Thông thường chúng trốn ở những đoạn có vụng nước và có nhiều hang ngầm, khe đá, nước chảy mạnh. Những anh chàng Mông nhỏ thó chui tọt vào trong cách khe đá, mất hút bóng dáng. Tôi tưởng họ chui vào trong đá bắt cá, nhưng không phải, mà moi móc những viên đá nhỏ, để khơi dòng chảy.

Đoạn suối đó khá lớn. Trong khi một nhóm vần đá khơi dòng để nước chảy mạnh hơn ở nửa bên phải của suối theo hướng ngược lên đầu nguồn, thì một nhóm vần đá đắp thành bờ ở nửa bên trái. Thật không thể ngờ, những anh chàng Mông nhỏ thó, nặng chừng 50kg, mà vần những tảng đá nặng cả tạ như vần cục bông.

Khi bờ đá nhô cao khỏi mặt suối, thì tấm bạt được trải xuống thành bờ đá để cản dòng nước hung dữ. Dòng nước bị chặn, chảy lượn sang phía bên phải. Bên phải con suối đã được khơi thông, lại rất dốc, nên dòng nước cuồn cuộn đổi dòng.

Vì suối rất dốc, lại bị bờ đá ngăn nước, nên nửa bên trái con suối, kéo dài xuống hạ lưu cả trăm mét nước cạn dần, trơ ra những tảng đá lớn, lộ ra những vũng nước.

< Loài cá đắng cực ngon.

Những tay lưới mắc dài độ vài mét được thả xuống những vũng nước trong vắt. Tôi ngồi trên tảng đá lớn, thi thoảng lại thấy những chú cá từ vách đá nhao đầu ra ngoài, rồi mắc vào lưới. Khá nhiều cá lạ, có tên gọi cá bám đá mắc vào lưới. Nó có hình dạng của một con cá chiên thu nhỏ.

Vàng A Của bảo, loài cá bám đá này được người Trung Quốc mua rất đắt, tới cả triệu bạc mỗi kg. Họ mua về làm giống, nuôi ở những con thác. Chúng bám vào đá để ăn rong rêu ở những con suối chảy mạnh, rất lạnh, nên gọi là cá bám đá.

< Xiên cá đắng để nướng.

Khi nước cạn, chảy nhẹ, thì cá bám đá chui ra khỏi hốc đá, dính vào lưới, nhưng tuyệt nhiên không thấy con cá đắng, còn gọi là “cá sâm” nào. Thấy tôi sốt ruột, Vàng A Của cười bảo: “Giống cá đắng khôn ranh lắm anh ạ, không bao giờ chui ra khỏi hốc đá. Cả đời nó chỉ chui trong hốc đá tối tăm, không bao giờ chịu ló đầu ra. Chỉ có cách duy nhất bắt nó, là khiến nó say”.

Lời của Vàng A Của khiến tôi ngạc nhiên. Chả lẽ đổ rượu xuống suối để loài cá kỳ lạ kia say rượu mà mò ra? Phía bên kia tảng đá, đã vang lên tiếng bộp bộp. Hai thanh niên Mông đang dùng viên đá làm chày đập nát những miếng vỏ cây có màu đỏ như nhuộm máu. Hóa ra, họ đang khiến vỏ cây tiết nhựa.

Khi tất cả những khe hở đã bị chặn bởi những gùi đất trát bít, thì họ gùi vỏ cây đã giã thành bột lên đầu con đập nhân tạo chặn dòng. Họ trút bột vỏ cây xuống vũng nước, khiến màu nước trong vắt chuyển sang màu đỏ như máu. Những khe hở nước chảy róc rách đưa làn nước nhuộm màu đỏ chảy xuống hạ nguồn. Nước nhuốm nhựa cây ngấm vào những khe vách đá tảng, lờ đờ trôi xuống.

Chỉ một chốc lát, những con cá bằng ngón tay, thân đỏ lẫn đen, bụng trắng hếu, lờ đờ trôi ra khỏi hang đá, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Mỗi anh chàng Mông đứng trực ở một vũng nước, chờ cá trôi ra là tóm luôn. Nếu không để ý, nó trôi ra chỗ không có nhựa cây, tỉnh lại, là chuồn mất dạng. Sau ngót tiếng đồng hồ thả vỏ cây khiến cá say, thì cũng tóm được ối cá đắng.

Ở trên tảng đá to như ngôi nhà hai tầng, nhà báo Nguyễn Xuân Tuấn (báo Phụ Nữ Việt Nam) nằm phơi nắng ngủ ngon lành, lương y Phạm Văn Thanh đã đốt củi khô thành đống than hồng. Anh chàng Mông dùng dao cứa bụng, moi ra phần ruột cá bám đá, kẹp vào thanh luồng đưa cho lương y Phạm Văn Thanh nướng. Riêng cá đắng thì không cần lấy ruột, cứ kẹp cá hoặc xiên vào thanh tre nhọn nướng luôn.

Vàng A Của chui vào rừng một lát, quay ra với nắm rau rừng. Chiếc xoong mang theo đổ ngập nước, đun sôi sùng sục, rồi trút cả rau lẫn mớ cá đắng, thêm vài hạt muối.

< Không có gì tuyệt vời hơn khi thưởng thức món cá đắng giữa rừng già.

Mặt trời treo lơ lửng trên đỉnh Nhìn Cồ San, báo hiệu đã đến trưa. Ngồi dưới cái nắng ấp áp trên độ cao 2.300m lạnh giá của đuôi dãy Hoàng Liên, cắn miếng cá đắng, mà người Mông gọi vui là cá sâm, thấy cuộc sống thật nhiều thi vị, ý nghĩa. Cả chục con người, với 2 ngày vất vả leo đèo, lội suối, để được thưởng thức mấy con cá, cũng là cái thú rất đặc biệt.
Cắn miếng cá thấy vị đắng thanh mát của thịt, nhưng rồi vị ngọt nhanh chóng tan vào tuyến nước bọt, lưu luyến mãi nơi cuống họng. Chúng thật không hổ là với tên gọi cá sâm - thứ cá kỳ lạ chỉ có ở lưng chừng trời.
Hết

Kỳ thú lên lưng chừng trời tìm cá lạ (P1)
Kỳ thú lên lưng chừng trời tìm cá lạ (P2)

Theo Dương Phạm Ngọc/ VTC News
Du lịch, GO!