Breaking News

Peterburg thần thánh

“Bạn có muốn cùng tôi sang nước Nga không?
Bạn hãy nhắm mắt vào và đếm: “Một... Hai... Ba!”.


Chúng mình đang đứng giữa Quảng trường Đỏ, trước Lăng Lênin... Bạn có nghe thấy tiếng chuông đồng hồ điểm mười hai tiếng thánh thót, rền vang từ Điện Kremlin không? Từ Quảng trường Đỏ, chúng mình sẽ đi lên Đồi Lênin để nhìn toàn cảnh Moskva, ngắm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia M. V. Lomonosov... sau đó về qua Quảng trường và Bảo tàng Chiến thắng (được khánh thành nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng phát xít Đức). Thẳng đường này về, lang thang trên phố Arbat cổ, chúng mình sẽ ghé xem Tranh tròn toàn cảnh trận Borodino - trận đánh mà Nguyên soái một mắt Kutudov đã chỉ huy quân đội Nga chiến đấu với quân của Napoléon năm 1812... 
Bạn bảo sao? Nhân tiện sang Nga, bạn muốn đi thăm cả Thành Peterburg tráng lệ à?... Tôi cũng đang có chút việc phải đi Saint Peterburg đây. Thế thì chúng mình cùng đi nhé! Nhưng mà đến Saint Peterburg - Petersburg thần thánh mà người Nga quen gọi là Piter, người Việt mình quen gọi là Len, phải đi bằng tàu hoả. Cách nhắm mắt vào và đếm: “Một... Hai... Ba!” chỉ dành cho các tuyến quốc tế thôi). Để tôi ra mua vé tàu, chỉ cần ngủ một giấc, sáng hôm sau chúng mình đã có mặt ở Len rồi.
Xem trên bản đồ, đường tàu đi Len thẳng tắp, chỉ có một khoảng hơi cong hình đầu ngón tay[1]. Các chuyến tàu đi Len nổi tiếng về sự đúng giờ. Trong lịch sử hơn 50 năm của đoàn tàu “Mũi tên đỏ”, chỉ có hai lần bị chậm vài phút. Nhân viên của đoàn tàu này mặc đồng phục màu đỏ trang trọng như những đô đốc hải quân. Ngay khi vừa lên tàu, họ sẽ thay áo sơ mi trắng muốt thêu chỉ vàng, niềm nở hỏi bạn có cần chè, cà phê, Vodka, Cognac hay cái gì đó nặng hơn không... (Tôi thì chưa lần nào dám thử gọi “cái gì đó nặng hơn” nên cũng không biết nặng hơn Vodka, Cognac là gì nữa).
Từ Ga tàu Moscovsky, chúng mình sẽ đi bộ dọc Đại lộ Nevsky - đường phố chính của Petersburg thần thánh để đến Gostiny Dvor, ở đây có các kiot của mấy công ty du lịch. Đầu tiên, tôi sẽ mua cho bạn một vé xe buýt đi du lịch lòng vòng trong thành phố khoảng một giờ đồng hồ... 


Xe buýt sẽ bắt đầu chuyến tham quan Peterburg từ Pháo đài Petropavlovsk. Pháo đài này bắt đầu được xây dựng trên đảo Thỏ đúng vào ngày 16 tháng 5 năm 1703 - ngày thành lập thành phố. Peterburg thần thánh đã kỷ niệm 300 năm tuổi với cả chuỗi ngày hội tưng bừng, Peterburg đã chật cứng khách khứa. Thị trưởng Peterburg đã phải đóng cửa Sân bay Pulkovo trong ba ngày đối với các tuyến nội địa để đón các chuyên cơ từ khắp nơi trên thế giới đến dự lễ kỷ niệm này.



Tháp chuông nhọn dát vàng của nhà thờ trong Pháo đài Petropavlovsk với cây thập tự và thiên thần đang bay được coi là biểu tượng chính của Peterburg. Nhà thờ này cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của các vua chúa Nga. Chắc bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy mộ của Pie Đại đế - người đặt nền móng cho Peterburg thần thánh và mộ của Nữ hoàng Elizabeth vĩ đại lại đơn giản đến vậy.
Chúng mình sẽ đi qua cầu Troiski để đến Cung điện Mùa đông. Hình ảnh cầu Troiski mở buổi đêm để tàu bè đi qua cũng là một trong những biểu tượng của Peterburg. Nhân một đêm trắng lang thang ở Len, tôi đã chui xuống gầm để xem dàn bơm thuỷ lực nâng cầu lên. Nghe mấy bác kỹ sư trực dưới đó nói, đây được coi là dàn bơm nâng cầu lớn nhất thế giới. Từ trên cầu Troiski, bạn sẽ nhìn thấy Chiến hạm Rạng đông - Chiến hạm nổ phát súng mở màn cho Cách mạng tháng Mười Nga. Một sáng sớm đến Saint Peterburg, trong lúc đi bộ lang thang ở mạn này, tôi đã thấy mấy chú lính mặc áo dạ dài cầm súng bảo vệ cho điểm bỏ phiếu (lúc đó nước Nga đang trong đợt bầu cử). Trong cái lạnh căm căm, tôi bỗng nghĩ giá Chiến hạm Rạng đông nổ súng lần nữa, mấy chú lính kia lại kéo về phía Cung điện Mùa đông thì chắc mình cũng sẽ chạy theo cho ấm người.
Konstantin Paustovsky đã viết trong “Chốc lát Paris”: “Cuộc đời như đã soạn sửa cho hầu hết những người có học thức và trí tưởng tượng một cuộc gặp gỡ với Paris... Khi còn là trẻ con, sự hiểu biết và óc liên tưởng trong ta còn quá ít, chưa đủ để cảm nhận đầy đủ cái quyền lực chế ngự trái tim của Paris. Đến tuổi trưởng thành, Paris rực rỡ hẳn lên qua những hiểu biết mà ta gom góp được về thành phố ấy, tình yêu với những con đường của nó, bầu trời của nó... ”
Nước Nga với nhiều người Việt Nam cũng có sức hấp dẫn như... Paris (Trong bài thơ “Lão đầy tớ” của Tố Hữu có đoạn: “Và há mồm khoan khoái/ Lão ngồi mơ nước Nga”).
Bạn tưởng tượng gì về nước Nga? Một đất nước tuyết phủ hoang dã với tâm hồn Nga đầy bí ẩn? Tôi nhớ ngày xưa còn có câu định nghĩa Nước Nga - Quê hương của Cách mạng tháng Mười. Đã đến nước Nga chắc chắn phải đi Saint Peterburg , cũng như khách nước ngoài đã đến Việt Nam phải đi Huế (cũng như... Tây phải ăn bánh mỳ - lý luận này tôi học được của chị nhân viên phục vụ tàu Hà Nội - Huế, lần đó tôi đi cùng khoang tàu với một cặp vợ chồng người Hà Lan, khi phát đồ ăn trên tàu, dù cặp vợ chồng người Hà Lan kia đề nghị được ăn cơm, chị nhân viên nhất định chỉ đưa cho họ bánh mỳ vì...“Tây thì phải ăn bánh mỳ”).
Tôi vẫn nhớ hồi bé, lần đầu tiên biết đến Saint Peterburg là qua tiểu thuyết “Con đường đau khổ” của Aleksey Tolstoy, in đậm nhất trong trí óc thơ trẻ của tôi là cảnh tượng Telegin cùngDasha đứng bên bờ sông Neva và Thành Peterburg đang chìm trong khói lửa... Tôi đã chép vào cuốn sổ “Lời hay ý đẹp” Telegin nói với Dasha rằng “Năm tháng sẽ qua đi, những thành phố sẽ lụi tàn nhưng sẽ còn lại mãi mãi tình anh dành cho em” (Câu này cũng đại loại như câu “Suốt cuộc đời anh không quên chân tình dành hết cho em” trong bài hát “Chân tình” của nhạc sỹ Trần Lê Quỳnh).
Cung điện Mùa đông của vua chúa Nga bây giờ thành Bảo tàng Ermitage nổi tiếng. 


Trong đó có nhiền hiện vật trưng bày đến nỗi nếu dừng lại 30 giây trước mỗi hiện vật thì để xem hết cả Bảo tàng ta chỉ cần có... 300 năm. Mỗi lần tham quan Ermitage, ta chỉ đi như “cưỡi ngựa xem hoa”, gọi là để kể "tôi đã từng vào Ermitage" thôi. Vé vào Ermitage đối với người nước ngoài là khoảng 10 USD/người (không biết bảo tàng ở các nước khác có sự phân biệt về giá vé vào cửa đối với khách nước ngoài và dân bản xứ như vậy không). Tuy nhiên, nếu tham quan Ermitage nhiều lần, bạn sẽ biết cách liên hệ trực tiếp với chú cảnh sát Nga giữ trật tự trong bảo tàng để được tấm vé miễn phí dành cho học sinh phổ thông chỉ với giá 5 USD hoặc rẻ hơn nữa. Khi thấy các bác Việt Nam râu ria trình vé này vào bảo tàng, bà soát vé gần ngất xỉu thì chú bạn cảnh sát kia sẽ lại gần và ra dấu mọi sự đều ổn cả... Ai cũng phải kiếm sống mà.
Chuyến đi bằng xe buýt du lịch cho bạn khái niệm chung về Saint Peterburg, nhưng để hiểu sâu thêm về thành phố thì chúng mình phải đi bộ lang thang cơ (Ở Việt Nam, suốt ngày lên xe xuống ngựa, không quen đi bộ nên bạn sẽ rất mỏi chân). Có lần, tôi cứ đi lang thang một cách vô định, bất ngờ gặp tấm biển chỉ đường vào Bảo tàng Dostoyevsky[2]. Đến giờ tôi vẫn nhớ cảm giác ám ảnh khi vào căn hộ đó vì nhận thấy hồn vía nhà văn vẫn lẩn quẩn đâu đây... Chính nơi này, Dostoyevsky đã viết nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có tiểu thuyết “Những đêm trắng” với những cảnh rất đặc trưng cho Saint Peterburg. Những đêm cuối tháng Sáu ở Peterburg, trời cứ nhờ nhờ sáng nên người ta gọi là những đêm trắng. Và đã thành lệ, cứ vào dịp này, mọi người ở đây sẽ tổ chức buổi liên hoan “Những đêm trắng” với đủ các trò: Vũ hội hoá trang, biểu diễn ca nhạc, sàn nhảy ngoài trời... 
Ghi chú [1] Tương truyền rằng khi Pie Đại đế dùng thước kẻ để vạch bản quy hoạch đường tàu đã sơ ý vòng cả dấu đầu ngón tay cầm thước của mình vào. Các kỹ sư cầu đường khi tiến hành xây dựng, vì quá sợ Pie, không dám hỏi lại Ông, đã máy móc giữ nguyên cả cái khoảng cong ấy. 
[2] Bảo tàng Dostoyevsky hiện ở Saint Peterburg, tọa lạc tại nơi ngày xưa gia đình nhà văn đã sống những tháng năm khó khăn và hạnh phúc nhất. Cổng vào nhỏ hẹp, khi đã qua khỏi cánh cửa gỗ đó, du khách tham quan sẽ phải đi lên cầu thang nhỏ với những bậc gỗ và các lối rẽ khác nhau. Khuôn viên bảo tàng được chia làm hai nơi: Một bên là nơi nhà văn đã từng sinh sống cùng gia đình những năm cuối thế kỷ XIX, với phòng viết, phòng ăn, phòng sinh hoạt chung... Một bên là căn phòng lưu giữ những thăng trầm của nhà văn.

Đi trong thành phố cũng có nhiều cái hay. Chẳng hạn, mình có thể ghé vào xem Bảo tàng tự nhiên học Kunstkammer, được thành lập từ thời Pie Đại đế. Ngay lối vào của bảo tàng này có đặt một bức tượng ngẫu thần gì đó, ghi rõ là của Việt nam với cái biểu tượng nòng pháo to đùng, cong vút, chĩa thẳng lên trời (Ai dám bảo Việt nam “nhỏ và đẹp” nào). Đúng kiểu “Chân ta bước lòng ung dung tự hào, kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao...”. Nhưng Peterburg còn nổi tiếng bởi một loạt thành phố vệ tinh: Petrodvores với Cung điện Mùa hè, Puskin (trước kia gọi là làng Vua) với Cung điện Elizabeth và ngôi trường trung học trước kia của Puskin, Pavlov với Cung điện của Thái tử Pavlov, Gatchina- Hành cung đi săn đầy bí ẩn của một số triều đại vua, rồi thành phố biển Kronstadt, đi xa thêm tí nữa là Novgorod - cái nôi của nước Nga... 
Bạn đã thấy đói bụng rồi à, thế thì mình đi ăn trưa nhé. Tôi chẳng biết phải giới thiệu với bạn món gì được gọi là đặc sản của Nga cả... Món súp củ cải đỏ thì thấy bảo thật ra là của Ucraina, món Permeni lại được nói là có xuất xứ từ món vằn thắn của Trung Quốc... Trứng cá Nga - Cavia thường chỉ để nhắm với Vodka thôi, cũng như cá khô Actrakhan chỉ để uống bia... Dọc Đại lộ Nevsky có các quán café mọc san sát, bàn ghế trong đó cũng lịch sự như ở các nhà hàng, nhưng ở đây mình tự chọn món và mang đồ ăn về bàn/ mang phong cách tự phục vụ. Không phải tôi tiếc tiền mời bạn vào nhà hàng đâu, nhưng đi du lịch, mình ăn uống kiểu đó cho nhanh. Hay là mình vào mấy quán fast food kiểu như McDonal, KFC nhỉ? Đã nhanh phải cho nhanh cả thể? 
Chiều nay chúng mình sẽ mua vé đi Cung điện Mùa hè, ở Len này cứ mua vé đi tour trọn gói như thế cho nó tiện. Hơn nữa, trên xe lại có cô hướng dẫn viên nhiệt tình, nói rào rào như máy khâu nên mỗi lần đi mình lại vỡ ra được nhiều điều về đất Len.




Petrodvorets là một quần thể cung điện cùng khu vườn nằm bên bờ vịnh Phần Lan, được xây dựng như cung điện chính thức của Pie Đại đế và chủ yếu để sử dụng trong mùa hè. Petrodvorets chiếm diện tích trên 800 héc ta và là một trong những công trình kiến trúc lộng lẫy nhất thế kỷ XVIII – XIX. Hàng ngàn vòi phun nước nơi đây được thiết kế độc đáo ở chỗ hoàn toàn không cần dùng bơm mà chỉ dựa trên nguyên tắc bình thông nhau. Một điều đáng tiếc là vào mùa đông, các bức tượng dát vàng đang được bảo quản trong những chiếc thùng nên bạn không có cơ hội chiêm ngưỡng chúng. Khi bạn quay lại đây vào mùa hè, bạn sẽ thấy cảnh tượng vô cùng nguy nga lộng lẫy, và nó có thể sẽ khiến bạn càng thêm căm thù bọn phong kiến vì đã bóc lột nhân dân lao động để xây nên những thứ vừa tuyệt đẹp vừa có giá trị để đời như thế. 



Bạn thấy không, bọn phong kiến có lối bố trí rất dã man: Để đi đến Phòng Khánh tiết có đặt ngai vàng, bạn phải đi qua biết bao phòng bày đầy đồ vật quý giá, qua bao cánh cửa được thếp vàng và chạm trổ tinh vi - mỗi cánh cửa là cả một công trình nghệ thuật (và tất nhiên có kèm biển “Cấm sờ”). Từ Phòng Khánh tiết toả đi là phòng ăn, phòng nhảy, phòng ngủ, phòng khách, phòng đánh cờ, phòng nghe nhạc, thư viện... (đại thể thì cách bố trí cũng gần như ở nhà bạn thôi).



Trong cung điện có mấy phòng ăn to nhỏ khác nhau (tuỳ quy mô tiếp khách) và được đặt tên theo màu sắc bên trong. Phòng nhảy rộng cả nghìn mét vuông được lát bằng các loại gỗ quý. Xung quanh tường treo đầy gương với hàng nghìn ngọn đèn, và khi tất cả những ngọn đèn này được bật lên thì... thôi rồi, Lượm ơi!... (Xin lỗi, nếu tên bạn không phải là Lượm).
Bọn phong kiến thối nát hồi ấy có cái mốt là trang hoàng một cái phòng ngủ thật đẹp (nhưng chẳng phải để sử dụng vào mục đích ngủ bao giờ), khi nào khách khứa đến chơi thì dẫn vào khoe. Thật chẳng ra làm sao cả. 
Trong cung điện có hai phòng được gọi là Phòng Trung Quốc vì chúng được trang trí toàn bằng đồ mang từ Trung Quốc về: Nào sập gụ tủ chè, nào bàn ghế trạm khảm, trên tường dán lụa thêu cảnh sinh hoạt đậm văn hóa Trung Hoa... Bạn thử nghĩ mà xem, chúng ta thường chỉ trang trí tường bằng cách quét vôi lăn sơn, cùng lắm dán giấy, còn bọn phong kiến thối nát thì phải dùng loại lụa đắt tiền (Có phòng chúng còn trang hoàng hoàn toàn bằng tranh của các danh họa nổi tiếng thế giới nữa). Nói đến đây tôi lại thấy nghẹn lời không thể tiếp tục được nữa).
Mình ngồi xuống cái ghế kia nghỉ một lát, uống ngụm nước Bonaqua cho bạn đỡ mỏi chân nhé! Bạn bảo quen uống Lavie thì bên này không bói đâu ra, bên này chỉ có hai loại nước lọc tinh khiết thông dụng là Aqua Mineral và Bonaqua... 
Bức tranh mà có thể bạn nhắc đến, tôi đoán là “Người đẹp Nga” của Kustodiev (1878 - 1927) được treo ở trong bếp. Nếu nhớ không nhầm thì tôi từng trông thấy bức này ở Bảo tàng Nga ở Saint Peterburg. Kustodiev chuyên vẽ cảnh hội hè thị dân và những người đẹp xuất thân từ giới buôn bán. Người đẹp của Kustodiev là sự thể hiện quan niệm của nhân dân về vẻ đẹp rực rỡ, vẻ đẹp no đủ và vẻ đẹp hào phóng. “Người đẹp Nga” đang uống chè - đây là một nghi lễ Nga, giống như trà đạo của Nhật vậy. Cái ấm to đùng trên bàn là loại Xamovar, giống cái ấm ủ bên mình dùng để giữ cho nước chè luôn luôn nóng bỏng môi ấy. Người Nga nhiều khi uống chè bằng đĩa chứ không bằng cốc, vừa uống vừa thổi xì xụp. Vì Nga đói kém, không có bánh đậu xanh hay mứt sen như ở Việt nam nên họ phải uống chè với bánh mỳ ngọt nhân nho khô hay bánh nhúng... Ngày xưa, có lẽ lúc đó đang là mùa đông, dưa hấu đắt nên Kustodiev vẽ thêm vào để chứng tỏ đây là cảnh ăn chơi của bọn nhà giàu chứ tôi ít thấy người Nga vừa uống chè vừa ăn hoa quả.
Bạn muốn làm Nữ hoàng, công chúa hay nữ hầu tước, bá tước thì... hơi bị đơn giản, chẳng phải xin phép bố mẹ hay làm đơn xin chứng nhận của phường, xã gì hết. Ngay cạnh Cung điện Mùa đông, có một loạt nhóm chụp ảnh lấy tên là “Hợp tác xã Hoàn Kiếm/ Bờ Hồ” gì đó và nếu bạn thích làm “chức” gì (Nữ hoàng, công chúa hay nữ hầu tước, bá tước) thì họ sẽ hóa trang cho bạn thành nhân vật ấy rồi có người giả làm kẻ hầu người hạ thời Sa hoàng vây quanh bạn, cung cấp cả xe tứ mã để chụp cảnh bạn lên xe xuống ngựa như thật... 
Bạn đừng trách tôi tại sao không đưa bạn đến Vườn Hè (không phải Vườn Yêu đâu nhé). Bây giờ đang là cuối đông, cây cối trong Vườn Hè trụi hết lá, các bức tượng đá hoa cương được đóng hòm gỗ để bảo quản, bức nào cần bảo dưỡng thì được căng lều bằng nylon/ ni lông phủ trùm lên và đóng giàn giáo xung quanh để các bác thợ phục chế tu sửa, đặc biệt là rửa... phân chim (Xin lỗi bạn vì tôi đã nói ra một sự thật phũ phàng).
Ở Nga, nói chung có rất nhiều chim chóc. Ở khắp nơi, trên hè phố, từng đoàn, từng đoàn bồ câu đi tha thẩn đi bộ kiếm ăn trông y hệt như những chú gà tần tảo, các bà già hay để dành bánh mỳ thừa đem cho chúng ăn. Giả thiết cho rằng IQ của các chú bồ câu này khá cao, bằng chứng chứng minh là tuy chúng kiếm ăn ở dưới hè đường nhưng lại rất thích ị lên đầu các vĩ nhân và các di tích lịch sử đã xếp hạng (thật là oai). Tượng Puskin ở Trung tâm Moskva, nơi hẹn hò nổi tiếng của những đôi trai gái bị bồ câu “trả hận” nhiều nhất, mối hận này mỗi ngày có thể lên đến hàng kilogam và (như mọi mối hận khác) có chứa axit ăn mòn... 
Từ Petrodvorets trở về thành phố, nếu bạn chưa muốn về Moskva ngay thì có thể ở lại. Buổi tối, mình sẽ vào nhà hát Mariinsky, rồi sáng mai, mình sẽ đi tàu du lịch trên sông Neva và lại lang thang ở những khu phố cổ của Len.
Bạn đã thấy nhớ các món ăn Việt Nam chưa? Chiều nay, chúng mình sẽ vào ăn thử tại một trong những nhà hàng Việt Nam ở Len. Ngay gần Đại lộ Nevsky, có một nhà hàng mang tên Sài Gòn. Sài Gòn đã trở thành một từ quen thuộc với dân sành điệu ở khắp nơi.
Ngay từ sáng nay, lúc bạn ở trên xe buýt du lịch, có người đã đến mời mua vé vào Nhà hát bale và opera - một trong những nhà hát hàng đầu của Nga, giống như Nhà hát Lớn (Nhà hát Bolshoi) ở Moskva vậy. Nhà hát này được xây dựng từ năm 1860 và được đặt theo tên Hoàng hậu Maria của Vua Aleksandr II. Đối diện với nó là Nhạc viện Quốc gia Saint Peterburg mang tên Rimsky - Korsakov. Nhạc viện này được xây dựng năm 1890 trên nền đổ nát của Nhà hát Lớn Saint Peterburg bị cháy năm 1811. Những lần đến Len, tôi hay nghỉ lại ở Nevsky - một khách sạn nhỏ gần khu vực quảng trường của nhà hát. Mỗi sáng đi bộ qua đây, nhìn nhà hát này cũng chỉ bình thường như cô diễn viên nổi tiếng chưa trang điểm. Phải khi hoàng hôn buông xuống, nhà hát rực rỡ ánh đèn, cầm chặt tấm vé trong tay ta bỗng thấy có gì thiêng liêng, hồi hộp như đến một cuộc hẹn quan trọng trong đời. Tấm màn nhung kéo lên, nhạc trưởng trịnh trọng trong bộ smoking, vung que chỉ huy và những âm thanh đầu tiên vang lên... Âm nhạc tuôn chảy như dòng suối vàng, những đoạn luyến láy và rền vang gợi trong trí ta muôn vàn cảnh lạ lùng giống như một giấc mơ... 



Saint Peterburg là một thành phố du lịch nhưng cũng là thành phố công nghiệp, buổi sáng tinh mơ mọi người hối hả đến chỗ làm... còn chúng mình thì lang thang ngắm những cung điện vẫn còn chìm trong giấc ngủ im lìm. Saint Peterburg có rất nhiều cung điện, như Mensikov, Mariiski/ Mariinsky, Vorontsov, Anyukov, Tavrichesky... Cung điện Mariinsky nằm trên Quảng trường Ianevski là dinh thự mà Sa hoàng Nicholas I đã xây cho con gái Maria trong suốt sáu năm, từ 1838 đến 1844. Cung điện Anyukov là cả quần thể kiến trúc được xây dựng theo phong cách cổ điển Nga và mang tên một kỹ sư quân sự - Đại tá Anyukov, người đã xây cầu gỗ bắc qua con kênh Fontana. Đối diện với Cung điện Anyukovlà cầu Anyukov, hai bên đầu cầu có tượng người thuần hoá ngựa - biểu tượng sức mạnh của con người đang chinh phục thiên nhiên... 

Ngay đối diện cửa vào Cung điện Mùa đông, bên bờ Neva là bến tàu du lịch, tàu sẽ đưa ta đi ngắm những cây cầu bắc qua sông để ngắm những cung điện và dinh thự của các đại gia Nga bên bờ sông. Cung điện Mensikovsky được xây dựng năm 1710, đây là dinh thự của Mensikov/ Menshikov - sủng thần bậc nhất của Pie Đại đế. Menshikov về sau bị kết tội tham nhũng và bị đày đi Siberi...

Nguồn: An Phan