Breaking News

Nghề làm đồ Trung thu ở Làng Hảo

(TGDS) - Một Tết Trung thu nữa lại về, trong khi một số địa phương chuyên sản xuất đồ chơi truyền thống đã bỏ nghề, người làm nghề không còn mặn mà giữ nghề, đồ chơi Trung Quốc lấn át đồ chơi truyền thống... thì trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, có một địa phương mà ở đó những người thợ vẫn hàng ngày cần mẫn làm những chiếc trống, mặt nạ, đầu sư tử… với rất nhiều công đoạn thủ công vừa mất thời gian, thu nhập lại không cao, nhưng mục đích cuối cùng của những người làm nghề là muốn gắn bó và giữ gìn nghề truyền thống: Làng ông Hảo.

Đến làng Ông Hảo (còn gọi là làng Hảo), xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên vào những ngày này, ai ai cũng cảm nhận được không khí hối hả, nhộn nhịp của làng nghề đồ chơi trung thu truyền thống. Những công đoạn cuối cùng đang được hoàn tất để đưa những sản phẩm đẹp mắt đến với tất cả mọi người, đặc biệt là các em thiếu nhi vào đêm Rằm tháng Tám sắp tới.

Hàng trăm năm qua, những người dân thôn ông Hảo vẫn miệt mài đóng những chiếc trống, làm đầu sư tử, đầu lân, mặt nạ…, với thu nhập chủ yếu từ “lấy công làm lãi”. Nhưng từ những tháng đầu năm nay, cơ sở sản xuất của họ nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của khách khắp trong Nam ngoài Bắc...
Dulichgo
Chẳng biết tự bao giờ, nghề bưng trống, thuộc da đã trở thành nghề truyền thống của người dân thôn Hảo. Để làm nên một chiếc trống trung thu, người làng Hảo phải nhập da trâu bò từ các địa phương khác về. Tang trống được làm bằng gỗ mỡ chuyển từ rừng xuống, cũng có khi làm bằng gỗ bồ đề vì loại gỗ đó xốp hơn, dễ làm hơn.

Theo đó, da khi mua về, người thợ sẽ xẻ từng tảng làm 3 - 4 mảnh sao cho thật đều rồi ngâm trong nước vôi để tẩy màu. Ngâm khoảng 5 - 7 ngày thì vớt ra. Trong thời gian đó, cứ cách 1 - 2 ngày thì người ta phải trở mặt da để nước vôi ngấm đều, nếu không da sẽ bị loang ố, không đẹp.
Dulichgo
Người thợ sẽ phải căn chỉnh thời gian cẩn thận, nếu vớt da ra non quá màu sẽ không đều. Ngược lại, ngâm da “chín” quá thì sẽ thối, hỏng. Khi da đã đạt đủ độ, người thợ sẽ vớt ra, phơi khô.

Khoảng những năm cuối 80, đầu 90 của thế kỉ trước, ở thôn Hảo người người làm nghề, nhà nhà làm nghề. Vào dịp Tết Trung thu, khắp làng trên xóm dưới nhộn nhịp người xe ra vào để lấy hàng. Người dân thôn Hảo không chỉ làm trống đồ chơi mà còn làm trống to để đưa vào trường học, lễ hội.

Tiếng trống thôn Hảo đã vang xa đến khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc. Nghề làm trống, thuộc da đã giúp nhiều người dân trong làng thoát nghèo.

Theo dòng thời gian, cùng với sự phát triển của thị trường, thị hiếu người tiêu dùng cũng đã thay đổi khi đồ chơi Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều, làng nghề bị biến động, số người nặng lòng với nghề làm trống đã vơi đi nhiều. Một số người trụ lại với nghề họ đã tích cực tìm kiếm thị trường, nắm bắt tâm lý người tiêu dùng để tìm hướng sản xuất mới.
Dulichgo
Đáp ứng nhu cầu của thị trường, khoảng 10 năm trở lại đây, nghề làm mặt nạ, đầu sư tử bằng giấy bồi xuất hiện ở thôn Hảo. Trước kia, người làng chủ yếu làm mặt nạ chú Tễu. Nhưng những năm gần đây, mẫu mã đã đa dạng hơn.

Những chiếc mặt xanh đỏ vẽ hình những con vật ngộ nghĩnh, rồi đến Chí Phèo, Thị Nở, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, đầu sư tử các kích cỡ… dẫu rằng không phải nghề truyền thống của cha ông nhưng được người dân thôn Hảo làm đầy sự sáng tạo, và đặc biệt đó là những thứ đồ chơi được làm hoàn toàn thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của con người. Đầu sư tử cũng được làm kỳ công hơn, bên cạnh việc chú ý đường nét, màu sắc còn phải chú ý đến phụ kiện như gắn thêm lông hóa học màu trắng để làm bờm. Nhờ thế mà sản phẩm bán ra vẫn được ưa chuộng.
Dulichgo
Dù nghề làm trống, làm mặt nạ mang lại cuộc sống ổn định cho dân làng, tạo nên thương hiệu “làng Hảo” từ hàng chục năm nay song vẫn không tránh khỏi sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường, khi mà khoảng chục năm trở lại đây, hàng Trung Quốc đã tràn vào nội địa. Nhiều hộ gia đình đã không trụ lại được với nghề.

Quy luật cạnh tranh khắc nghiệt là thế song khi được hỏi về tương lai làng nghề, những nghệ nhân làng nghề vẫn giữ một niềm tin tưởng mãnh liệt bởi lẽ rằng: “Chừng nào còn Trung thu, chừng đó trống làng Hảo, mặt nạ làng Hảo sẽ vẫn còn”. Sản xuất đồ chơi trung thu truyền thống không chỉ được làm từ những vật liệu gần gũi với con người như: Giấy, bìa cốt tông, sơn tổng hợp,..  ít ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn mang đậm hồn dân tộc, giúp các em thiếu nhi thêm hiểu biết về những nét đẹp văn hóa dân gian. Hy vọng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong thời gian tới làng Hảo không chỉ giữ được nghề mà ngày càng phát triển bền vững.

Theo Thanh Huyền (Thế Giới Di Sản)
Du lịch, GO!