Breaking News

Rừng trâm bầu: báu vật của làng biển

(QBĐT) - Khu rừng trâm bầu cổ ở thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) trải dài trên 4km và rộng hơn 150ha; không chỉ là lá phổi xanh của cả vùng mà còn được xem như báu vật của người dân. Với khoảng 500 năm tồn tại, rừng đã tạo nên một quần thể di tích cây cổ thụ có một không hai. Nơi đây, suối nước ngầm không bao giờ cạn, cây cối xanh mát quanh năm và thảm động vật phong phú, chống cát bay… vẫn được bao thế hệ gìn giữ.

Rời thành phố Đồng Hới phồn hoa náo nhiệt, chúng tôi vượt chặng đường xa xôi tìm đến làng Nghĩa Nương (Quảng Xuân, Quảng Trạch) sau nhiều lần "lỡ hẹn" với ngôi làng "đặc biệt" này. Đón chúng tôi trong cái nắng hè oi ả là những đợt gió mát từ khu rừng trâm bầu chạy dài tít tắp mà hàng trăm năm qua người dân nơi đây cố công bảo vệ, giữ gìn như một báu vật. Đó cũng chính là điều đặc biệt của Nghĩa Nương mà bất cứ ai đặt chân đến nơi đây cũng phải ngưỡng mộ, "thèm thuồng".

Nghĩa Nương là tên cổ của thôn Thanh Bình ngày nay, là ngôi làng nằm trải dài trên bãi cát dọc bờ biển Đông. Chiết tự Hán, tên làng rất có ý nghĩa nó được giải nôm là người con gái hiếu nghĩa. Và đúng như cái tên Nghĩa Nương, người dân nơi đây rất "hiếu để" với tự nhiên để rồi mấy trăm năm một lòng bảo vệ vật báu làng là hàng trăm hecta rừng trâm bầu trên rú cát.
Dulichgo
Về làng nghe kể, năm xưa, khi ông tổ Dương Phúc Thái cùng 11 vị khai canh khác chọn mạch địa lý định đất theo hướng Bắc-Nam, lấy mạch nước từ rừng trâm bầu cổ làm nguồn sinh sống, xây dựng các lân nóc (xóm). Thấy thế đất có rừng trâm bầu, trước mặt làng là cánh đồng thuận trồng lúa nước, hợp trồng ngũ cốc, tiền nhân đã đặt định danh tính, chịu sự quản lý của quan phủ trong vùng, dân làng cùng nhau lao động, khai hoang, mở đất, quần tụ sinh sống, cắt đặt lề lối, giữ gìn gia phong, nếp sống để dựng làng ngày một trù mật.

Biết làng mình không thể vững chãi với cát trắng, hàng trăm năm nay, người làng cần mẫn góp lúa nuôi đội giữ rừng trâm bầu. Làng vì thế mà mạnh mẽ bên bờ biển Đông, cường tráng trước sóng to gió lớn, vững vàng đối đầu với mưa bão liên miên. Đó như một định chế giữ làng được tu dưỡng từ xa xưa.

Trưởng thôn Đậu Thanh Minh cho biết: "Bốn trăm sáu mươi năm trước đây, những ông tổ khai canh lập làng từ Bắc vào đã thấy rừng trâm bầu sừng sững. Họ chọn thế dựng làng, lưng tựa vào động cát phủ đầy trâm bầu, mặt hướng ra cánh đồng pha cát, thuận lợi cho ruộng làm lúa nước cũng như trồng ngô khoai".

Theo trưởng thôn Minh, sở dĩ làng còn rừng trâm bầu bát ngát xanh tươi là do từ ngày khẩn hoang đến giờ, chưa một ngày người làng ngơi công việc bảo vệ. Từ xưa, các bậc cao niên truyền đạt, lý trưởng làng cắt đặt đội cai rừng với mười một người, ai bẻ cành, chặt cây bị phạt vạ giữa đình, bắt trồng cây mới, lao động một vụ mùa rồi nộp thóc để sung vào quỹ coi "thần hộ mệnh" cho dân các họ. Năm 1959, làng bắt đầu thành lập hợp tác xã, đội giữ rừng từ đó có tên trong sổ sách, đến nay tròn 54 năm.
Dulichgo
Mười một lực điền khỏe mạnh sung lệnh giữ rừng, có nhiều thế hệ lần lượt vào đội trong mưa bom, bão đạn để vun đắp ngàn vạn cây nhằm tránh cho làng khỏi tai ương bão tố của trời đất, biển cả. Thời thế có nhiều biến thiên, nhưng số thành viên giữ rừng của làng không đổi, từ xưa đến nay vẫn cử ra mười một trai đinh lực lưỡng.

Với người dân Nghĩa Nương, rừng trâm bầu không chỉ là mạch sống của làng mà còn là người bạn tri kỷ gắn bó với họ từ biết bao thế hệ qua. Họ sống với rừng, nhờ rừng và cần rừng. Chính bởi vậy, người dân nơi đây coi việc bảo vệ rừng trâm bầu của làng là một nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý, không ai được chểnh mảng. Từ xưa đến nay, mặc dù đời sống của người Nghĩa Nương vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng ai cũng ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc giữ rừng.

Bởi với họ, rừng trâm bầu còn thì mạch sống của làng còn, rừng trâm bầu mất, đất làng sẽ cằn cỗi, sức làng xiêu tán. Trước đây, đội giữ rừng được dân làng trả công bằng cách góp lúa, còn hiện nay, hàng tháng họ đóng góp một khoản tiền để duy trì hoạt động của đội.

Còn với những thành viên trong đội giữ rừng, họ luôn tận tụy, nhiệt tình với công việc. Sự tận tụy, nhiệt tình ấy không phải xuất phát từ mục đích cá nhân mà vì lợi ích chung của làng, vì tình yêu với những gốc trâm bầu đã gắn bó với họ suốt từ thời thơ ấu.

Ông Dương Minh Huy, Tổ trưởng tổ giữ rừng, người có thâm niên giữ rừng suốt mấy chục năm tâm sự: "Gắn bó với việc giữ rừng từ ngày mới xuất ngũ, đến bây giờ, tui coi đó như là cuộc sống của mình vậy. Một ngày không được lên với rừng là thấy bứt rứt, khó chịu không yên". Theo các bậc cao niên trong làng, từ xưa đã có hội thề giữ rừng trâm bầu. Câu chuyện hội thề ấy hiện không còn văn tự, nhưng được truyền ngôn giữa mạch sống dân cư qua nhiều thế hệ.
Dulichgo
Hội thề giản đơn, từ lý trưởng đến phú hộ rồi con dân, ai cũng một lời thề giữ rừng như giữ cơi lửa trong nhà. Để giữ rừng, lệ làng đặt ra nghiêm khắc, ai bị phát hiện bẻ cành sẽ bị phạt 50.000 đồng, ai chặt cây sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.

Người làng chỉ được phép quét lá trâm bầu đem về nấu bếp, vào rừng tuyệt đối không mang theo dao, rựa. Người dân thôn Thanh Bình ai cũng bảo nhau, rừng là manh áo, là mái nhà che chở cho đồng bào mình, nếu không giữ được rừng, họ chẳng còn biết nương tựa vào đâu. Cứ thế, từ đời này sang đời khác, bà con ở đây nhất nhất tuân theo hương ước của làng, không ai vi phạm.

Trưởng thôn Đậu Thanh Minh khẳng định: Rừng trâm bầu của làng chạy dài đến 4 cây số, chiếm đến 150 ha, trải dài từ đầu thôn đến cuối làng, lan sang cả thôn Xuân Kiều kế bên. Trâm bầu mọc dày trên cát. Những gốc cây to khỏe, chắc mập găm sâu xuống cát.

Trong khu rừng trâm bầu, không chỉ cô độc một màu xanh cây lá mà dưới tán của nó có nhiều loài chim như chào mào, vành khuyên, cu gáy..., nhông cát và nhiều loài bò sát, lưỡng cư khác cùng sinh sống. Cộng sinh với trâm bầu là cây mà ca, lộc vừng, rồi có cả quần thể sâm Mã Lai có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Chưa ai đoán định rõ rừng trâm bầu ở đây bao nhiêu tuổi, người làng chỉ biết rõ nó nhiều hơn số tuổi của làng lập ra cách đây 460 năm.

Từ thế hệ cha ông chúng tôi sinh ra, lớn lên đã thấy rừng trâm bầu hiên ngang trong nắng gió. Những năm kháng chiến, rừng trở thành lá chắn để du kích ẩn náu. Bao ụ pháo ngụy trang dưới tán trâm bầu phun lửa đối đầu với tàu chiến của kẻ thù. Thời bình, rừng giúp người dân địa phương giữ được mạch nước trong lành cho sinh hoạt, tưới tiêu.
Dulichgo
Vào những thời điểm nắng hạn gay gắt, nếu các làng khác đều lâm vào cảnh "khát nước" triền miên thì với Nghĩa Nương, gần 500 giếng nước của làng chưa bao giờ cạn khô. Những mạch nước ngầm tinh khiết, mát lành được rừng trâm bầu bảo vệ luôn dạt dào bất chấp nắng hạn không chỉ giúp người dân địa phương chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà những vùng lân cận cũng được "hưởng lây".

Khi tham vấn về rừng trâm bầu trên cát có thể nói là độc nhất vô nhị này, ông Nguyễn Văn Lương, chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn Động vật và Thực vật Quốc tế FFI nhấn mạnh: "Trâm bầu có hệ thống rễ cực tốt cho lọc nước, loại bỏ các chất độc, lọc mặn, khử phèn, hóa giải độ chua. Nó đưa lại một hệ sinh thái trong khu vực sự ưu việt về mảng xanh và không khí trong lành. Đây là khu rừng hiếm thấy trên cát, cần bảo tồn không chỉ cho một làng, mà nó có tác dụng lớn đối với cả vùng".

Chia tay làng nhỏ bên bờ biển lớn mới thấy làng cường tráng thêm bên chân sóng, chắc chắn, vững vàng hơn nhờ rừng trâm bầu xanh tốt. Cần mẫn bảo vệ rừng trâm bầu qua bao biến thiên dâu bể, các thế hệ người dân Thanh Bình đã giữ gìn được rừng trâm bầu, "báu vật" thiêng liêng của làng trong suốt hàng trăm năm qua. Năm 2011, thôn Thanh Bình và mười một thành viên của đội giữ rừng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì những gì đã đóng góp cho việc giữ gìn, bảo vệ rừng phòng hộ. Với những con người ấy, với ngôi làng ấy, đó là động lực để họ tiếp tục nối tiếp các thế hệ đi trước cùng nhau bảo vệ rừng thiêng của làng.

Theo Đ.Vân (Báo Quảng Bình)
Du lịch, GO!